Rất nhiều người nghĩ rằng xây dựng thương hiệu cá nhân là “công việc” chỉ dành cho những người nổi tiếng hoặc đã có chỗ đứng nhất định trong một ngành nghề nói riêng hay trong xã hội nói chung. Cũng có một số lầm tưởng về việc thương hiệu cá nhân gắn liền với mức độ “tài năng” hay đo lường bằng sự “thành công”. Quan niệm “hữu xạ tự nhiên hương” (tạm hiểu là “Người có tài, tự nhiên có người biết đến”) cũng khiến người Á Đông thường “khiêm tốn” hơn trong việc chia sẻ những “thành tích” của bản thân. Ở góc nhìn rộng hơn, thay vì chú trọng phương diện hình thức, thương hiệu cá nhân nên được hiểu và nhìn nhận như một sự khẳng định về tiềm năng và cam kết về giá trị mà mỗi cá nhân có thể đóng góp khi tham gia vào một đội nhóm hay tổ chức dựa trên mục đích phát triển, niềm tin, giá trị cốt lõi, kỹ năng, uy tín và tiềm lực tài chính mà cá nhân đó sở hữu. Việc xây dựng thương hiệu cá nhân nên được chú trọng từ những buổi đầu tiên và đòi hỏi sự nhất quán từ mục tiêu cho tới hành động.
- Nhỏ mà có “võ” – Tạo giá trị “khác biệt” trong từng công việc nhỏ nhất
Nguyên lý “1% tốt hơn mỗi ngày” nhấn mạnh vào việc xây dựng thói quen, nỗ lực nhỏ mỗi ngày sẽ dẫn tới thay đổi lớn, thành công trong tương lai. Tương tự, việc xây dựng thương hiệu cá nhân sẽ xuất phát từ những nỗ lực tạo giá trị “khác biệt” trong từng công việc nhỏ nhất. Nếu bạn là một “lính mới”, hãy cố gắng hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất, ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua và trên mong đợi cấp trên đưa ra. Đừng ngần ngại đề xuất những ý tưởng hay phát biểu đóng góp ý kiến dù đúng hay sai trong khuôn khổ lĩnh vực chuyên môn bạn phụ trách khi tham gia các buổi họp với nhóm làm việc hay các lãnh đạo cấp cao hơn. Sự ghi nhận dù nhỏ sẽ được tích lũy theo thời gian và giúp bạn tạo tiền đề cho sự tin tưởng ủy thác sau này.
Trong “Tiếp thị thương hiệu”, có một khái niệm vô cùng quan trọng để đo lường khả năng và sức mạnh định vị của thương hiệu – Top of mind (TOM). TOM là thương hiệu đầu tiên xuất hiện trong tâm trí khách hàng khi được hỏi đến một sản phẩm hoặc một danh mục ngẫu nhiên liên quan đến sản phẩm/ngành hàng của thương hiệu. Thông thường, các thương hiệu sẽ có hai phương thức để xây dựng TOM: (i) Đầu tư rất nhiều vào truyền thông – quảng cáo diện rộng để tạo hiệu ứng lan tỏa trong một thời gian ngắn nhằm chiếm ưu thế hoặc (ii) Đầu tư “tích tiểu thành đại” sau nhiều năm dựa trên lợi thế cạnh tranh đến từ chính sản phẩm cốt lõi và sự ủng hộ của các khách hàng trung thành. Việc xây dựng thương hiệu cá nhân thông qua việc tích lũy từng “giá trị” nhỏ sẽ đem lại hiệu quả lâu dài và giúp bạn có được chỗ đứng nhất định từ chính việc khẳng định năng lực chuyên môn bên cạnh việc nhận được sự hỗ trợ từ các anh chị đi trước.
- Nhỏ mà có “tiềm năng” – Tạo “cơ sở tài năng” cho sự phát triển trong tương lai
Nếu từng nghe qua cụm từ “Con nhà nòi”, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ rằng đa phần tài năng là do di truyền. Thực tế, khoa học đã chứng minh rằng tiềm năng được di truyền từ bố mẹ là khoảng 75%-95%. Tuy nhiên, để tiềm năng trở thành năng khiếu là do quá trình nuôi dưỡng. Các tín đồ yêu bóng đá có lẽ đều biết đến câu chuyện thành công của Messi và CR7. Hai tài năng bóng đá dù là thiên bẩm hay do rèn luyện đều có một điểm chung là biết cách nuôi dưỡng tiềm năng để trở thành tài năng. Sự nuôi dưỡng ấy có thể đến từ 1% nỗ lực tốt hơn mỗi ngày hay chọn cho mình một môi trường mà ở đó tài năng của bản thân được phát huy một cách tốt nhất.
- Hãy bắt đầu bằng việc xác định các tiềm năng của bản thân. Bạn có thể làm điều này thông qua việc nhìn lại các dấu mốc phát triển trong quá khứ, hỏi ý kiến từ những người đủ chuyên môn (hướng nghiệp) hoặc đủ thời gian tiếp xúc với bạn (đủ dữ kiện để đánh giá) hoặc tham gia các bài kiểm tra tính cách, năng lực như MBTI, sinh trắc học vân tay…
- Sau khi có kết quả, hãy thực hiện đối chiếu để tìm ra các điểm tương đồng và “mới khám phá” so với suy nghĩ của bạn về bản thân, cũng như năng lực yêu cầu cho công việc hiện tại bạn đang phụ trách. Nếu kết quả trùng khớp đến trên 80%, chúc mừng bạn vì đã ở đúng nơi mà bạn thuộc về. Nếu kết quả dưới 50%, hãy cân nhắc về độ phù hợp trong tính chất công việc hiện tại. Nếu con số rơi vào khoảng 50%-80%, hãy dùng con tim để trả lời xem sự đam mê và yêu thích công việc có giúp bạn vượt qua giới hạn tiềm năng của bản thân để chinh phục thử thách từ công việc hiện tại không nhé.
- Cuối cùng, hãy dành thời gian đánh giá môi trường làm việc của bạn có những yếu tố hỗ trợ để giúp bạn phát triển tiềm năng thành tài năng nổi trội trong tương lai không. Thông thường, chúng ta có thể nhìn vào 05 yếu tố chính sau: tầm nhìn của công ty – ban lãnh đạo, các lãnh đạo trực tiếp và gián tiếp, tiềm năng phát triển chuyên môn, hệ thống đánh giá-lương thưởng và văn hóa công ty. Hiện nay, ở Việt Nam, yếu tố về văn hóa doanh nghiệp còn chưa được quá coi trọng như các công ty nước ngoài nên phần lớn người lao động sẽ “ngó lơ” phần này. Tuy nhiên, văn hóa công ty lại chính là một trong các yếu tố tiên quyết để đánh giá sự bền vững của một tổ chức. Bên cạnh tiềm lực tài chính, một công ty có văn hóa vững chắc chắn sẽ đủ “nội lực” để thu hút những nhân tài kiệt xuất cùng chung tay hiện thực hóa tầm nhìn. Hãy dành thời gian tìm hiểu về tầm nhìn và ban lãnh đạo công ty hay lãnh đạo trực tiếp để đảm bảo bạn lựa chọn được môi trường phù hợp nhất “nuôi dưỡng và đánh giá đúng tài năng” của mình. Đừng lo lắng nếu cảm thấy bản thân hơi “khó tính”. Những điều tốt đẹp thường tốn nhiều thời gian để trở thành hiện thực hơn.
“Nghĩ lớn, làm nhỏ” và cố gắng “cụ thể hóa kết quả” sau mỗi tiến trình là cách tốt nhất để chứng minh và tạo niềm tin cho bản thân và các nhà “đầu tư” – những người “hợp tác” với bạn. Bạn không cần phải có những thành tựu xuất chúng để gây ấn tượng hay công nhận. Sự tiến bộ chính là điểm cốt lõi để một tài năng được ghi nhận. Bởi vì, thông qua sự tiến bộ, các nhà “đầu tư” còn thấy tính cam kết cao – cơ sở uy tín để hợp tác không chỉ ở hiện tại mà còn trong tương lai.
- Nhỏ mà có “nhiều người thương” – Tạo “mạng lưới” những người ủng hộ, đồng hành ở hiện tại, tương lai
Nếu may mắn gặp được những người sếp tốt, bạn sẽ vô cùng thuận lợi trong việc học hỏi, phát triển và thăng tiến trong sự nghiệp. Đừng bỏ lỡ cơ hội và hãy chủ động hơn để xin những lời khuyên hay hướng dẫn chuyên môn nhé. Chắc chắn, người sếp tốt sẽ không “phán xét” mà còn cố gắng hết sức để giúp đỡ cũng như có thiện cảm với bạn hơn đấy. Họ chính là người dìu dắt, định hướng và phần lớn là bảo vệ bạn trước các tình huống khó khăn trong công ty hiện tại hoặc giúp đỡ giới thiệu, tư vấn cho bạn trong tương lai. Hãy đảm bảo rằng sự “đầu tư” của sếp được đền đáp hợp lý thông qua sự tiến bộ hoặc xuất sắc trong việc hoàn thành công việc, cũng như sự “kính nghiệp”. Nếu gặp phải người sếp chưa đúng kỳ vọng, đừng ngần ngại nói lời chia tay bạn nhé. Sự dứt khoát sẽ giúp giảm thiểu rủi ro xung đột trong quá trình làm việc cũng như tổn hại về hình ảnh trong tương lai.
Khác với sếp, với một phần nghĩa vụ là “dìu dắt” bạn, đồng nghiệp “ruột” chỉ xuất hiện khi bạn có đủ “thiện chí”. Học cách giúp đỡ và cho đi trước trong phạm vi cho phép là một bí kíp tạo thiện cảm với những đồng nghiệp mới. Với những đồng nghiệp hợp tác lâu năm, bạn cần chứng minh mình là người đồng đội “tuyệt vời” hợp tác cùng phát triển. Tôn trọng và tuyệt đối không lấn át hoặc lấn sân vô lĩnh vực chuyên môn của đồng nghiệp. Nếu gặp các đồng nghiệp hay gây khó dễ, chưa phù hợp để hợp tác, hãy đảm bảo sự chuyên nghiệp thông qua việc đưa ra các nguyên tắc và giới hạn để tránh mâu thuẫn và tranh cãi ảnh hưởng tới tiến độ chung của dự án. Nếu lỡ “bị ghét, hay nói xấu, đặt điều” sau lưng gây ảnh hưởng uy tín cá nhân, hãy bỏ qua và dùng năng lực để chứng minh. Nếu bị “hạ bệ” trước nhiều người, hãy báo cáo cho nhân sự hoặc lãnh đạo có thẩm quyền để đảm bảo hành vi tương tự không lặp lại. Tập trung năng lượng để chứng minh hiệu suất công việc. Những người đồng nghiệp tốt chính là những đồng đội tiềm năng, người ủng hộ ở cả hiện tại và tương lai, đóng góp không nhỏ đến thành công của bạn. Rất nhiều công ty ghi nhận đánh giá từ đồng nghiệp là một phần trong kết quả đánh giá năng lực nhân viên.
Ngoài môi trường làm việc, hãy mở rộng mạng lưới cá nhân thông qua việc tạo “giá trị” ở những môi trường khác mà bạn tham gia. Những sự ủng hộ, ghi nhận, giúp đỡ ngoài “vũ trụ” cũng có thể đem đến những kết quả bất ngờ và độc đáo cho công việc hiện tại của bạn. Đừng bỏ quên gia đình và bạn bè của mình nhé. Sự yêu thương và ủng hộ vô điều kiện của những người thương sẽ củng cố thêm nội lực cho bạn, đặc biệt ở những giai đoạn khó khăn. Hãy có mặt và sẵn sàng giúp đỡ trong khả năng cho phép khi cần thiết. Cân bằng giữa nhu cầu bản thân – gia đình – công việc sẽ giúp bạn trở thành một một cá nhân hạnh phúc và được ủng hộ dù ở bất cứ đâu.
Cuối cùng, hãy dành thời gian để tham khảo, nghiên cứu và ứng dụng mô hình xây dựng thương hiệu cá nhân dưới đây từ Brand Artist nhé.
Ghi chú: Bài viết nằm trong Dự án Brand Artist 101 nhằm chia sẻ kiến thức về xây dựng và tiếp thị thương hiệu. Bên cạnh các bài viết giới thiệu khái niệm và phân tích các ví dụ thực tế từ các nhãn hàng được viết bằng ngôn ngữ Tiếng Anh để thể hiện đúng nhất tinh thần các thuật ngữ chuyên ngành và đảm bảo tính quốc tế, các bài viết về chủ đề xây dựng thương hiệu cá nhân (personal branding) sẽ sử dụng ngôn ngữ chính là Tiếng Việt. Hy vọng những góc nhìn từ Brand Artist 101 sẽ giúp các bạn trẻ hoặc các bạn có “tâm hồn trẻ” (ham học hỏi) người Việt tìm ra được mô hình phát triển và xây dựng thương hiệu cá nhân một cách chân thật, hiệu quả và bền vững nhất nhé!
Tác giả: Nguyet Nguyen (Azurie)
Branding Marketing Topic: FESTIVE BIG: A BET ON SEASONAL CAMPAIGNS