Giai đoạn VỠ LÒNG (Mới ra trường) – Đi tìm tổ chức hoặc thầy cô chuyên nghiệp để vững nền tảng (1-3 năm)
Ở giai đoạn này, bạn giống như một đứa bé mới đi học và cần rất nhiều sự hướng dẫn, làm mẫu. Nhiều bạn trẻ mới ra trường sẽ ứng tuyển vô các tập đoàn/công ty lớn – những nơi mà hệ thống và văn hóa vận hành đã chuẩn chỉnh. Đây vẫn là một hướng đi “đáng đầu tư” dù ở thời đại nào. Tuy nhiên, với những bạn không có cơ hội để gia nhập các tập đoàn/công ty lớn, việc đầu quân cho những công ty vừa và nhỏ nhưng có đội ngũ lãnh đạo “4-5 sao” cũng là một lựa chọn khôn ngoan. Đội ngũ lãnh đạo “4-5 sao” có thể tạm định nghĩa là những anh/chị có kinh nghiệm làm việc lâu năm, có năng lực “cao” trong ngành về đầu quân ở những công ty vừa và nhỏ, cùng tham gia dẫn dắt công ty.
Đừng ngạc nhiên nếu các kiến thức bạn được học ở bậc đại học, cao đẳng có thể không ứng dụng được ngay khi bắt đầu công việc. Thực tế, trải nghiệm học đại học, cao đẳng sẽ đóng góp trong việc giới thiệu khái niệm và giúp bạn nắm được sơ lược tính chất từng ngành nghề và phát triển các kỹ năng mềm quan trọng. Bạn cũng có thể xin đi thực tập từ những năm cuối để bắt đầu làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Giai đoạn TẬP LÀM (Vài năm kinh nghiệm) – Đi tìm sân chơi để tăng tốc thực hành (3-5 năm)
Đây là giai đoạn có thể coi như thời kỳ “dậy thì” hay thời kỳ “luyện vàng” trong sự nghiệp khi bạn “khát khao” thể hiện bản thân nhiều nhất. Nếu may mắn tham gia được một tổ chức phát triển minh bạch và bền vững, bạn sẽ không phải lo lắng nhiều về bước thăng tiến của bản thân nếu đảm bảo về mặt năng lực chuyên môn vì lộ trình phát triển của từng vị trí trong công ty đã được thiết kế rõ ràng và có các quy chuẩn đánh giá nhất định. Tuy nhiên, trong trường hợp tổ chức bạn đang cống hiến chưa phát triển để có “sân chơi” cho những vị trí hoặc mảng chuyên môn cá nhân bạn đang muốn phát triển thì việc tìm kiếm một cơ hội mới bên ngoài là một gợi ý để cân nhắc. Khác với 5-10 năm trước, ngoài việc nỗ lực phấn đấu và cống hiến trong một tổ chức, rất nhiều nhân sự đã dịch chuyển sang một hình thức phát triển khác nhanh hơn thông qua “nhảy việc” nhằm tìm được vị trí và mức lương tốt hơn so với công ty hiện tại. Một ứng viên “nhảy việc” liên tục trong một khoảng thời gian ngắn chắc chắn không phải là một ứng viên “đủ tin cậy”. Tuy nhiên, việc thay đổi môi trường để phát triển và có một đường hướng “nâng cấp” rõ ràng trong việc dịch chuyển sau một khoảng thời gian nhất định lại là một bước đi khá “thông minh” và thể hiện năng lực “học hỏi” của ứng viên. Đối với một số vị trí và ngành nhất định, việc một nhân sự đảm nhận công việc cùng một mảng chuyên môn ở nhiều công ty cùng lúc cũng không còn mới mẻ và đang dần trở thành xu hướng. Điểm lưu ý nếu bạn đi theo mô hình này là cần minh bạch và thông tin cho các bên “sử dụng dịch vụ/lao động” để đảm bảo không có mâu thuẫn về cạnh tranh cũng như rủi ro về thời gian, khối lượng và chất lượng công việc.
Ở một số trường hợp, sự “nhảy ngành” cũng là một lựa chọn nếu cảm thấy bản thân không còn phù hợp với công việc ban đầu hay các bạn có một dự định cá nhân khác. Hãy đảm bảo bạn chuẩn bị đầy đủ về vật chất và tinh thần cho sự bắt đầu lại. Hoặc bạn có thể chậm rãi thử nghiệm cho đến khi thực sự tự tin với quyết định rẽ hướng hoàn toàn này. Lời khuyên là bạn có thể tận dụng kiến thức chuyên môn ở một mảng khác để bổ trợ thêm cho công việc hiện tại cho đến khi đủ “chín” về chuyên môn trong mảng công việc mới hoặc tìm một người “bảo trợ chuyên môn” để dẫn dắt, cùng đồng hành và gia tăng giá trị trên thị trường lao động thay vì phải xây dựng mới hoặc chia nguồn lực thành hai mảng riêng biệt.
Giai đoạn KIẾN THIẾT (Trở thành chuyên gia hoặc nhà quản trị) – Đi tìm cộng đồng chung giá trị để kiến tạo di sản và thế hệ kế thừa (3 – 5 năm)
Đây có thể coi là “thời kỳ lan tỏa” trong sự nghiệp của bạn khi bạn đã khẳng định và có chỗ đứng nhất định về mặt sự nghiệp. Ở giai đoạn này, bạn cần tìm hoặc xây dựng cho mình một cộng đồng có chung hệ giá trị. Rất nhiều các chuyên gia đầu ngành bắt đầu “khởi nghiệp” ở giai đoạn này qua các hình thức như trở thành trưởng khối/bộ phận trong một công ty, làm chuyên gia tư vấn chiến lược hay khởi sự kinh doanh… Công việc mà bạn lựa chọn sẽ phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng bạn muốn xây dựng, cũng như tương lai bạn muốn kiến thiết. Điểm mấu chốt ở giai đoạn này là cần thiết lập được các mối quan hệ chiến lược, bền vững với những đối tác (sếp/ban lãnh đạo công ty hoặc người hợp tác làm ăn chung) sẽ cùng bạn chung tay phát triển cộng đồng mới này.
Đào tạo và phát triển thế hệ kế thừa cũng là một bước tiến trong sự nghiệp. Bạn cần có bước chuẩn bị và thực hành cho phần công việc này từ giai đoạn “Tập làm” để không bị “chới với” trong quản lý, vận hành nhân sự cũng như đảm bảo sự đồng bộ và nhất quán từ chiến lược tới thực thi. Khi bộ máy nhân lực vận hành phát triển, vai trò quản trị của bạn sẽ dần tịnh tiến từ xây dựng nền tảng, đào tạo, giám sát chi tiết tới tự động hóa và bạn sẽ đóng góp nhiều nhất ở góc độ “chuyên gia” kiến thiết, điều phối chiến lược, định hướng đầu vào và phê duyệt thành quả đầu ra cuối cùng của bộ phận.
Lan tỏa những kiến thức chuyên môn sang những cộng đồng ngành nghề khác nhưng cùng chung hệ giá trị cũng là một gợi ý cho những “lãnh đạo”, “chuyên gia” ưa khám phá, trải nghiệm và kết nối. Nếu bạn có đam mê công nghệ thông tin, hãy thử tìm những người bạn trong lĩnh vực IT để chia sẻ và có thêm góc nhìn mới. Nếu bạn mê mảng giáo dục, hãy thử liên lạc để có những buổi giảng “khách mời” truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên… Thông qua những sự “dấn thân” mới, có lẽ bạn lại có thể bắt đầu hành trình “vỡ lòng” của bản thân ở một “vũ trụ” khác… Bạn cũng có thể bắt đầu hành trình “lan tỏa” ở giai đoạn “tập làm” nhưng cần cân nhắc mức độ đầu tư để tránh sự mất cân bằng và tập trung ở từng giai đoạn.
Chúc các bạn thật nhiều may mắn và thành công trong hành trình “nâng cấp sự nghiệp” nhé!
Ghi chú: Bài viết nằm trong Dự án Brand Artist 101 nhằm chia sẻ kiến thức về xây dựng và tiếp thị thương hiệu. Bên cạnh các bài viết giới thiệu khái niệm và phân tích các ví dụ thực tế từ các nhãn hàng được viết bằng ngôn ngữ Tiếng Anh để thể hiện đúng nhất tinh thần các thuật ngữ chuyên ngành và đảm bảo tính quốc tế, các bài viết về chủ đề xây dựng thương hiệu cá nhân (personal branding) sẽ sử dụng ngôn ngữ chính là Tiếng Việt. Hy vọng những góc nhìn từ Brand Artist 101 sẽ giúp các bạn trẻ hoặc các bạn có “tâm hồn trẻ” (ham học hỏi) người Việt tìm ra được mô hình phát triển và xây dựng thương hiệu cá nhân một cách chân thật, hiệu quả và bền vững nhất nhé!
Tác giả: Nguyệt Nguyễn (Azurie)
Branding Marketing Topic: NOSTALGIA MARKETING – RETRO SUCCESS FORMULA